Người ta ước tính số tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Indonesia sẽ tăng gấp 2 lần từ 82 tỷ USD trong năm 2016 lên 165 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, Chính phủ Indonesia mới chỉ đề ra mục tiêu chi khoảng 45,7 tỷ USD cho việc phát triển cơ sở hạ tầng của nước này trong giai đoạn 2015-2019.
Cũng như các quốc gia khác tại Đông Nam Á, Indonesia đang triển khai các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng nhằm thúc đẩy sự phát triển và hiện đại hóa đất nước. Các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng là một phần chương trình Nawa Cita (Nine Development Agendas – Chín chương trình phát triển) mà Tổng thống Joko Widodo đề ra nhằm phát triển Indonesia. Tổng thống Jokowi đã đề ra chương trình được nhiều người ưu ái gọi bằng cái tên “Chín niềm Hy vọng” này khi ông chính thức lên nắm quyền vào năm 2014.
Theo chương trình Nawa Cita, Tổng thống Jokowi đã triển khai kế hoạch Phát triển Quốc gia Trung hạn trong giai đoạn 2015-2019 với các dự án xây mới và nâng cấp nhiều tuyến giao thông trọng điểm. Indonesia có kế hoạch xây mới khoảng 2.650 km đường bộ và thực hiện nâng cấp, bảo trì hơn 46.770 km đường bộ hiện có.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng chuẩn bị xây dựng 15 sân bay, 24 cảng biển mới và hơn 3.000 km đường sắt. Trong các lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng, Indonesia dự kiến xây dựng 49 đập thủy điện mới. Trong ngành dầu mỏ và khí đốt, chính phủ có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy lọc dầu với công suất 300.000 thùng/ngày.
Việc nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng không chỉ đem lại cho đất nước một diện mạo mới cho quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này, mà còn là một bước đi cần thiết mà chính phủ Indonesia phải thực hiện nếu họ muốn đất nước phát triển. Theo báo cáo về tài chính phục vụ các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực ASEAN do Hội đồng Doanh nghiệp EU-ASEAN công bố đầu tháng 6/2018, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của các quốc gia hiện nay là một quy luật tự nhiên. Tăng trưởng kinh tế dẫn đến nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng trong khi sự đổi mới và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế của Indonesia đang phát triển với tốc độ ổn định khoảng 5%/năm, vì vậy quốc gia này cần phát triển cơ sở hạ tầng nếu muốn duy trì hoặc tăng tốc độ phát triển trong những năm tới.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và chi tiêu thực tế trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng là khoảng 1,5 nghìn tỷ USD. Để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng lớn như hiện nay, người ta ước tính số tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Indonesia sẽ tăng gấp 2 lần từ 82 tỷ USD trong năm 2016 lên 165 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, Chính phủ Indonesia mới chỉ đề ra mục tiêu chi khoảng 45,7 tỷ USD cho việc phát triển cơ sở hạ tầng của nước này trong giai đoạn 2015-2019.
Đây chính những thách thức nảy sinh trong quá trình Tổng thống Jokowi tìm cách “xoay sở” để đảm bảo nguồn tài chính cho các kế hoạch của mình. Theo đánh giá của Bloomberg, ngân sách của Indonesia chỉ có thể đáp ứng được khoảng 25 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng sắp tới của nước này. Con số này thậm chí còn có thể ít hơn khi Indonesia đã dành một lượng lớn dự trữ ngoại hối để phục vụ việc ổn định đồng nội tệ Rupiah trong thời gian qua.
Indonesia cần một lượng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng nếu muốn hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng của mình. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại quốc gia Đông Nam Á này. Với nền kinh tế đứng ở vị trí thứ 2 thế giới, Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư hầu khắp các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trong khuôn khổ sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”. Dự án đường sắt cao tốc nối liền Jakarta và thành phố Bangdung của Inodonesia cũng do Trung Quốc đầu tư. Bắc Kinh mới đây đã nhất trí đầu tư cho một số dự án cơ sở hạ tầng tại nhiều khu vực như Bắc Sumatra, Bắc Kalimantan và Bắc Sulawesi.
Tuy nhiên, Indonesia không thể chỉ dựa vào Trung Quốc để phát triển đất nước. Điều này được phản ánh rõ nét qua phát biểu tại một hội nghị ở Thụy Sỹ gần đây của Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia Rini Soemarno nhằm kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài khác tham gia lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Indonesia. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng Indonesia cần có các biện pháp cải thiện để thu hút đầu tư. Indonesia gần đây đã đình chỉ nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sau khi xảy ra một loạt vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Trong năm 2017, Cơ quan Quản lý An sinh Xã hội Indonesia ghi nhận số vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng tại Indonesia đã tăng 10% so với năm 2016. Điều này đã tác động ít nhiều đến tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư tại Indonesia do họ không muốn bị liên đới và phải có trách nhiệm giải quyết, bồi thường cho các nạn nhân hoặc những vụ việc như vậy sẽ làm cho tiến độ thi công các dự án chậm trễ rất nhiều so với dự kiến.
Hiện cũng có nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng các doanh nghiệp nhà nước của Indonesia đang thao túng các dự án cơ sở hạ tầng của nước này. Truyền thông Indonesia ước tính có khoảng 37.000 nhà thầu tư nhân trong nước đã phá sản vì không cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp quốc doanh. Một số nhà quan sát cho rằng việc sụt giảm số lượng nhà thầu tư nhân có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Indonesia do thiếu tính cạnh tranh trên thị trường.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng tại quốc gia với hơn 17.000 hòn đảo lớn nhỏ không phải là nhiệm vụ dễ dàng, vì vậy những dự án và mục tiêu mà Indonesia đề ra là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, chính phủ cần phải nhận thức rõ tình hình bối cảnh hiện nay và tính khả thi của các mục tiêu phát triển. Tổng thống Jokowi đang vấp phải không ít chỉ trích mạnh mẽ rằng ông đã quá vội vã trong việc thúc đẩy các kế hoạch phát triển mà chưa tham vấn ý kiến chuyên môn một cách hợp lý. Những chỉ trích này đối với Tổng thống Jokowi có lẽ cũng đúng phần nào.
Theo “ASEAN Post”
Hương Trà (gt)
- Cách để Đài Loan thắng Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao[03/04/2019 18:52]
- Tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ tại Bắc Úc: Chậm nhưng chắc[03/04/2019 18:45]
- Nghi vấn về dự án Koh Kong của Campuchia[19/03/2019 21:49]
- Mỹ-Trung dõi theo thỏa thuận vũ khí Nga-Ấn[12/10/2018 16:33]
- Sông Mekong trong các tính toán địa chính trị của Trung Quốc[10/08/2018 15:30]
- Lý do Myanmar thu hẹp dự án cảng nước sâu với Trung Quốc[10/08/2018 15:15]
- Chuyến thăm Malaysia của Ngoại trưởng Trung Quốc nói lên điều gì?[09/08/2018 17:38]
- Thúc đẩy quan hệ Mỹ-ASEAN: Chuyện của ngày hôm nay[02/08/2018 15:04]
- "Bà đỡ” bầu cử cho ông Hun Sen [02/08/2018 15:01]
- Kế hoạch tổng thể của Trung Quốc - Mối đe dọa quân sự toàn cầu[14/06/2018 14:57]
- Đánh giá sức mạnh quan hệ Trung-Nga[14/06/2018 14:42]
- Quay lưng với Trung Quốc, Malaysia đang hướng tới ai?[14/06/2018 09:14]
- Lý do Đông Nam Á dè dặt với sáng kiến Vành đai Con đường [06/04/2018 10:59]
- “Nạn nhân tiếp theo” của ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc[06/04/2018 10:56]
- Lý do Trung Quốc chi phối kế hoạch quốc phòng của Nhật Bản[27/03/2018 16:08]
- Đằng sau việc Trung Quốc thâu tóm các hải cảng châu Âu [27/02/2018 15:26]
- Vắng bóng Mỹ, Nhật Bản dẫn dắt thương mại tự do ở châu Á[27/02/2018 10:39]
- Ưu-nhược trong Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ[01/02/2018 01:29]